Giờ đứa bé mà cô đẻ thuê theo đơn đặt hàng của cặp vợ chồng hiếm muộn bên Thái Lan đã gần 1 năm tuổi. Thạch Ban khoe bố mẹ đứa bé sắp sang đón con và bồi thường cho cô một khoản không nhỏ. Ban vui vì rồi đây tương lai của cô sẽ khác, nhưng nghĩ đến ngày xa bé, cô không khỏi chạnh lòng…
Những ngày tháng kinh hoàng
Tôi gặp Thạch Ban qua một doanh nghiệp vẫn gửi tiền bảo trợ cho mẹ con cô hàng tháng. Khi biết tin Ban và những cô gái đẻ thuê ở Thái Lan ôm bụng bầu và những đứa con đỏ hỏn về Việt Nam, cuộc sống gặp khó khăn, một nhà tài trợ đã hỗ trợ các cô khoản tiền 2 triệu đồng/ tháng/ người. Số tiền được gửi ổn định tới khi bố mẹ của những đứa trẻ đến đón chúng.
Thạch Ban là cô gái ít tuổi nhất trong số các cô gái bị trục xuất về nước. Ban mới tròn 22 tuổi nhưng trông cô khốn khổ, xơ xác với cái bụng lặc lè sắp đến ngày trở dạ. Thạch Ban là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng, gia đình thuộc diện khó khăn nhất vùng, quanh năm suốt tháng chẳng đủ ăn.
Các cô gái đẻ thuê ngày trở về Việt Nam (Ảnh: CAND)
Ban thú nhận những người môi giới đã ứng cho cô số tiền lên đến vài ngàn đô la, tương đương cả một gia tài lớn, vì thế Ban đã nhận lời ngay không do dự. Ngày đó, Ban đã có người yêu, khi quyết định “xuất khẩu lao động”, Ban chia tay với anh cùng lời hò hẹn về tương lai xán lạn.
Đêm đầu tiên trong ngôi nhà ở trạm trung chuyển bên Campuchia, ban gặp lão chủ nhà tên Pành. Đêm đó, trước khi ngủ, cô đã cảnh giác kê ghế chèn cửa. Thế nhưng nửa đêm, cô giật mình tỉnh giấc vì những tiếng lịch kịch ngoài cửa khiến chiếc ghế bị bật tung. Một bóng đen lao vào, với tay túm lấy Ban. Mặc Ban chống cự quyết liệt, gã chủ nhà dọa sẽ lột quần áo và đuổi cô xuống đường. Ban trở thành vật hiến thân cho lão liên tiếp trong mấy đêm liền. Ước mơ kiếm tiền trên đất khách của Ban phải trả bằng cái giá quá đắt.
Cưỡng ép làm mẹ
Ban cho biết, mang tiếng có hợp đồng xuất khẩu lao động nhưng thực tế cô chẳng nhìn thấy bản hợp đồng đó bao giờ. Vì trình độ văn hóa thấp, chữ nghĩa nghèo nàn nên Ban chẳng thể hiểu hết những gì hợp đồng ghi, chỉ biết ký vào những chỗ họ chỉ. Chỉ đến khi gặp các “đồng nghiệp”, Ban mới té ngửa: hợp đồng quy định rằng các cô chỉ mang thai đến tháng thứ 8, sau đó sẽ được mổ để lấy đứa trẻ ra. Trong quá trình phẫu thuật, sinh mạng của người mẹ rủi ro họ không chịu trách nhiệm.
Ảnh minh họa
Ban thuộc dạng trẻ trung, cơ địa khỏe nên trong lần đầu đặt phôi, cô đã đậu thai. Những ngày mang thai và chờ sinh, Ban không kiêng cữ gì, ăn uống tệ bạc, lúc nào cũng thấy đói, tiền chợ búa thêm vào tốn kém đáng kể.
Không thể chịu được cảnh sống khốn khổ về thể xác và tinh thần, các cô gái đã bàn nhau kế hoạch trốn thoát. Họ liên lạc với đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, sau đó liên lạc với mạng lưới liên minh phòng chống buôn người (AAT) tại Thái Lan. Cuối tháng 2/2011, các cô gái đã được lực lượng cảnh sát Thái Lan giải cứu. Ban trở về khi cái thai gần 8 tháng trong tâm trạng hoảng sợ và xấu hổ vô cùng. Cô chẳng biết rồi tương lai mình sẽ ra sao…
Những ngày đầu trở về, Ban khóc rất nhiều, ở ngôi nhà Bình yên, các chị tình nguyện viên đã an ủi và động viên cô. Một tháng sau, Ban được đưa đến bệnh viện Phụ sản Trung ương sinh thường, một bé trai kháu khỉnh. Khi đứa trẻ cứng cáp, Ban ôm con về lại Sóc Trăng. Người yêu của Ban cũng thông cảm, anh còn tính nếu đứa trẻ không tìm được bố mẹ, anh sẽ coi đó là con chung của hai người khi cưới nhau. Nhưng sự khó khăn về kinh tế vẫn hiện hữu, gia đình cô đã túng quẫn, nay lại thêm khó khăn khi có 1 đứa trẻ.
Mới đây Ban nhận được tin cha mẹ đứa trẻ đang làm thủ tục đến đón con, đồng thời giử cho cô một khoản tiền đủ để có một tương lai tốt đẹp hơn. Ban nói chỉ khi nào đứa bé về với gia đình cô mới nghĩ đến chuyện xây dựng hạnh phúc cho mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét